Trong quan niệm của người Á Đông, những ngày đầu của năm mới rất quan trọng bởi thời khắc đó ảnh hưởng suốt một năm dài.
Trải qua những ngày cuối năm bận rộn, người ta tất bật dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, dựng cây nêu, trang trí nhà cửa đón những điều may mắn.
Và “mặc gì đi chơi Tết ?” vẫn là một câu hỏi thường niên mỗi dịp cuối năm, không chỉ bởi màu sắc trang phục ảnh hưởng đến mong ước suôn sẻ an vui cả năm, mà còn chính là thời điểm hội chị em lên đồ du xuân, thăm hỏi họ hàng, cùng gia đình đi vườn hoa sao cho thật tươm tất.
Cùng Saigon Uniform khám phá một số trang phục truyền thống đón tết của một số quốc gia châu Á.
Áo dài – Việt Nam
Không có một nghiên cứu nào xác định được thời điểm cụ thể ra đời của áo dài Việt Nam. Chỉ biết rằng tên trống đồng Ngọc Lũ đã điêu khắc hình ảnh áo dài Việt Nam qua những họa tiết.
Điều đó cho thấy, trải qua hàng ngàn năm dựng xây đất nước và lịch sử, tà áo dài mềm mại thướt tha vẫn gắn bó sắt son từng năm tháng, những ngày thường nhật cho đến Lễ Tết truyền thống.
Ngày nay, phụ nữ Việt Nam thay vì lựa chọn áo dài truyền thống đã chuyển sang lựa chọn áo dài cách tân, vừa đơn giản, vừa gọn gàng, phối hợp màu sắc đơn giản và phù hợp với thời tiết từng vùng miền.
Đó không chỉ giữ lại nét đẹp truyền thống văn hóa mà còn là sự giao thoa biến tấu với từng giai đoạn trong quá trình phát triển văn hóa- xã hội hiện nay.
Kebaya – Indonesia
Là một loại trang phục mang biểu tượng thanh cao của người phụ nữ, Kabaya từ thế kỷ 15, 16 chỉ dành cho bậc vương tôn quý tộc. Mãi tới sau này, kebaya được phổ biến rộng rãi khắp đất nước.
Trước đây, “bộ trang phục thanh cao” này được làm từ lụa – chất liệu sang trọng chỉ dành cho quý tộc. Sau này, khi thị trường may mặc vải vóc phát triển, người ta sử dụng vải nylon hoặc polyester. Kebaya ngày nay có màu sắc, kiểu dáng và chất liệu đa dạng phong phú hơn.
Để tăng thêm vẻ đẹp cho Kebaya, người ta trang trí thêu thùa hình ảnh hoa văn truyền thống bằng thổ cẩm hoặc chất liệu tơ lụa khác. Bộ trang phục bao gồm một chiếc áo ôm sát cơ thể, mở rộng phần cổ áo, tay áo dài tới cổ tay, ôm sát.
Những bộ kebaya ngày xưa phải có một chiếc áo choàng truyền thống đảm bảo kín đáo cho phụ nữ và được ghim lại bằng trâm cài đầu.
Kebaya là trang phục truyền thống của Indonesia, mặc dù chính xác hơn nó được sử dụng phổ biến là ở Java, Sunda và Bali
Sườn xám – Trung Quốc
Theo nghiên cứu lịch sử Trung Quốc, sườn xám bắt đầu được sử dụng từ năm 1920. Tuy xuất hiện mới đây nhưng đây lại là một bộ trang phục không thể thiếu trong những dịp lễ tết đặc biệt là Tết Nguyên Đán.
Thông thường, sườn xám được thiết kế ôm khít với cơ thể phù hợp với vóc dáng mảnh mai, thướt tha cua phụ nữ. Phần cổ ôm sát, tà áo xẻ cao tới giữa phần đùi, đảm bảo sự dịu dàng, quyến rũ nhưng vẫn kín đáo với tiêu chí của phụ nữ Á Đông. Chất liệu chính để may sườn xám thường là gấm, lụa, tơ sống,…
Sinh – Lào
Nếu kebaya là biểu tượng của sự thanh cao thì Sinh của Lào lại là biểu tượng của vẻ đẹp thanh lịch, tỉ mỉ. Ở “đất nước triệu voi”, các cô gái được học dệt vải từ ất sớm và họ rất thích công việc này.
Vẻ đẹp của bộ trang phục được biểu hiện rõ ràng nhất qua sự điêu luyện, tỉ mỉ, cầu kì và tinh xảo của Sinh – một chiếc váy ống được làm bằng lụa, dệt bông, họa tiết thêu ren tinh tế và thường được dệt rất công phu phần chân váy ống.
Sinh gồm ba phần chính là Hua sinh – phần thắt lưng thường che kín khi mặc, Phuen sinh-phần chính chiếc váy thường có một hoặc hai màu, và Thiếc sinh-đường viền dưới chân được dệt công phu có khi được trang trí bằng vàng.
Kimono – Nhật Bản
Người Nhật Bản vẫn có thói quen đón Tết truyền thống dù chuyển sang ngày dương lịch từ lâu. Khác với những ngày lễ đặc biệt trong năm, dịp Tết các cô gái sẽ lựa chọn một bộ kimono nổi bật nhất với mong muốn bản thân sẽ rạng rỡ trong những ngày đầu năm. Thiết kế của bộ kimono sẽ làm bật lên phần eo, duyên dáng hấp dẫn bởi những họa tiết tỉ mỉ.
Với ý nghĩa ngày đầu năm mới xua đuổi việc xấu, đón những việc tốt lành, phụ nữ Nhật Bản sẽ lựa chọn những màu sắc tươi sáng như vàng, hồng, xanh ngọc,…
Hanbok – Hàn Quốc
Là bộ trang phục cổ điển, mang dấu ấn văn hóa lâu đời, hanbok đề cao sự kín đáo, tôn vinh nét duyên dáng, dịu dàng của người phụ nữ truyền thống.
Tuy không phải là bộ trang phục ôm sát cơ thể, quyến rũ hấp dẫn như những bộ đồ của Việt Nam, Lào hay Indonesia, Hanbok vẫn khiến phụ nữ Hàn Quốc trở nên đáng yêu, kín đáo trong những ngày lễ Tết.
Sự phối hợp nhiều màu sắc, hài hòa trên một bộ trang phục là một điểm nổi bật của Hanbok với mong muốn một năm đủ đầy, tươi mới và bình yên.