Khám phá nét đẹp ngàn đời: Lễ Giỗ Tổ ngành may mặc (12/12 Âm lịch)

Sự tích vị tổ nghề

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm vua Đinh Tiên Hoàng vi hành chốn nhân gian để chiêu mộ nhân tài, không phân biệt nam nhân hay nữ nhân.

Nhà vua vi hành kén chọn hiền tài

Nhân dịp về trấn Sơn Tây, làng Trạch Xá, tống Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà, vua gặp Bà Nguyễn Thị Sen, sau này là một trong năm vị Hoàng Hậu của Ngài.

Bà là người vang danh một vùng vì vẻ đẹp, nhân cách và tài năng may vá thêu thùa của mình. Thấy người con gái tài sắc vẹn toàn, nết na giỏi giang, vua rước về kinh đô Hoa Lư và phong bà làm Tứ Phi Hoàng Hậu.

 

Trong thời gian tại vị, Tứ Phi Hoàng hậu tiếp quản Bộ May mặc Hoàng Triều. Tài thông minh, ứng xử khéo léo, sáng tạo, bà cùng cung phi kinh thành thổi một luồng gió mới vào phục trang hoàng triều.

Từng đường kim mũi chỉ tinh tế, sắc sảo bà phát triển nghề may lên một tầm cao mới mà trước đó chưa từng có trong cung cấm.

 

Nguồn gốc Lễ Giỗ Tổ nghề May

Năm Kỷ Mão 979, vua Đinh Tiên Hoàng bị sát hại, kinh thành nội chiến, tranh quyền đoạt vị, bà đưa các con về lại quê hương Hội An. Tại đây, bà chỉ dạy nghề may cho dân chúng nhân gian nối tiếp truyền đời. Tính đến nay là 1000 năm.

Ngày 12 tháng Chạp, Tứ Phi Hoàng Hậu mất. Dân làng tưởng nhớ công ơn truyền dạy của bà và suy tôn bà là Đức Thánh Tổ nghề may và lấy ngày 12 tháng 12 âm lịch làm ngày Giỗ Tổ.

Nghi thức cúng tổ

Lễ vật

Ở các tỉnh thành, lễ vật cúng tổ thường là một cành hoa, mâm hoa quả nhỏ, một con gà cánh tiên, trầu cau, rượu, nước tinh khiết.

 

Với những tiệm ăn nên làm ra, một năm may mặc thuận buồm xuôi gió sẽ có thêm heo quay, vịt quay. Bàn cúng được đặt ở nơi trang nghiêm, sạch sẽ, cao ráo không ồn ào.

Tại làng Trạch Xá (Hà Nội) và Hội An (Quảng Nam)  lễ vật cầu kì, kĩ lưỡng từ khâu chuẩn bị, hành lễ cho đến khi kết thúc nghi thức cúng Tổ.

 

Thông thường, một mâm lễ chỉn chu phải có

  • Một mâm ngũ quả đẹp
  • Hoa lay ơn hoặc hoa cúc kim cương
  • Đèn cầy lớn
  • Nhang rồng phụng
  • Một hũ gạo mới
  • Trà đã châm
  • Rượu nếp
  • Trầu cau
  • Giấy cúng tổ ngành may
  • Xôi nếp
  • Gà luộc
  • Heo quay nguyên con
  • Bánh bao
  • Bánh chưng hoặc bánh tét
  • Chả lụa,..
  • Và các thức khác theo mùa.
  • Bài cúng giỗ Tổ nghề may

Khi chuẩn bị lễ vật xong, lên hương đèn, chủ nhà may hay người thợ chính ăn mặc chỉnh tề làm chủ bái.

Nội dung cảm tạ công ơn của vị Tổ nghề khai sáng ra nghề may mặc và những bậc tiền hiền đã góp phần nâng cao, cải tiến nghề nghiệp của mình để có đời sống sung túc

Và cuối cùng là cầu mong nghề nghiệp ngày càng thuận lợi, phát đạt. Lễ cúng xong, thợ thầy cùng vui hưởng, chuyện trò, trao đổi công việc.

Văn khấn Giỗ Tổ nghề may 

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

– Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

– Kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

– Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ thần quân.

– Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quan trong xứ này.

Tín chủ con là …………………

Ngụ tại……………………………

Hôm nay là ngày… tháng…..năm……………………

Tín chủ con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương dâng lên trước án, thành tâm kính mời: Đức Hoàng Thiên Hậu Thổ Chư vị Tôn Thần, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ Địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng Chư vị Tôn thần.

Con kính mời ngài Thánh sư nghề May

Cúi xin Chư vị Tôn thần Thánh sư nghề May thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù Trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc, công việc hanh thông. Người vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

 

Chờ nhang tàn sau một canh giờ, chủ xưởng đốt giấy vàng và rải rượu xung quanh là trọn vẹn lễ Giỗ Tổ

Truyền thống văn hoá tốt đẹp ngàn đời

Theo truyền thống của nghề may, để tưởng nhớ đến vị Tổ nghề, các nhà may ở Việt Nam đã chọn ngày 12/12 âm lịch để giỗ Tổ.

Giỗ Tổ là dịp để các thợ may thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn những người đã khai sáng ra nghề may mặc.

Ngoài ý nghĩa uống nước nhớ nguồn, việc giỗ Tổ còn khẳng định, tôn vinh nghề của mình, là bằng chứng cụ thể để thấy vị trí của nghề may và cũng là dịp trình nghề nhằm giới thiệu những thành tựu của nghề nghiệp.