Hiểu ngũ hành để chọn màu sắc trang phục xông nhà gia chủ đầu năm

Lựa chọn người xông đất

Người xông đất đầu năm tất nhiên phải là người có gia đình hạnh phúc, đang ăn nên làm ra, hoặc có danh vọng địa vị, tính tình phải cởi mở, khoan dung.

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lý học Đông phương (Hội Nghiên cứu phát triển khoa học Việt Nam – Đông Nam Á) cho biết, Tết là phong tục cổ truyền trong nền văn minh phương Đông.

Ngày mùng 1 Tết được coi là ngày đầu tiên mà vận khí của toàn bộ năm mới đến với mọi gia đình theo quan niệm của lý học Đông phương.

Vì vậy, mọi nhà đều mong muốn mọi sự tốt đẹp sẽ đến với gia đình mình bắt đầu từ ngày đầu năm. Tục xông đất đầu năm cũng mang một ý nghĩa như vậy.

Người xông nhà, xông đất là người bước chân đầu tiên vào nhà sau phút Giao thừa. Do muốn được may mắn, mọi người hay tìm người hợp tuổi đến xông nhà.

Người xông đất đầu năm tất nhiên phải là người có gia đình hạnh phúc, đang ăn nên làm ra, hoặc có danh vọng địa vị, tính tình phải cởi mở, khoan dung.

Đương nhiên vì là ngày đầu tiên của cả một năm, nên nếu vận khí vào nhà ngày đầu năm (xông đất) xấu thì mọi chuyện sau đó sẽ bị ảnh hưởng.

Nhưng cũng không nên quá câu nệ vì tục xông đất cũng chỉ là một yếu tố tương tác, chứ không phải duy nhất tốt hay xấu.

Chúc gì khi vào xông đất?

Cũng theo ông Tuấn Anh, tục xông đất chỉ xảy ra trong ngày mùng 1 từ nửa đêm (23h đêm 30 đến 1h sáng mùng 1 tháng Giêng: giờ Tý) cho đến hết giờ Hợi là 23h ngày mùng 1.

Sang ngày mùng 2, ý nghĩa tốt xấu của sự xông đất đầu năm đã giảm nhẹ đi rất nhiều. Bởi vì sau mùng 1, nguyên khí đầu năm không còn tác dụng mạnh nữa.

Và bất cứ ai bước vào nhà sau 23h đêm 30 tháng Chạp đều được coi là người xông đất đầu năm.

Khi vào xông đất thì bất luận thế nào, người xông đất phải chúc lành cho gia chủ trước. Và gia chủ phải trân trọng mời người đến xông đất nhà mình dùng trầu cau, ăn bánh mứt, rượu trà (nếu có)…

Vì năm mới được coi là sự khởi đầu vận khí nguyên cả một năm nên các cụ luôn quan niệm dẹp bỏ tất cả mọi tỵ hiềm và mang đến sự tốt lành cho mọi người trong ngày Tết. Đấy là ý nghĩa nhân bản của tục xông đất ngày đầu năm.

Cũng vì tính chất của nguyên khí khởi đầu cho một năm, nên ngày Tết các cụ luôn thể hiện sự sung túc về lương thực thực phẩm, củi lửa nhiên liệu và mọi thứ tốt đẹp nhất trong cuộc sống mà con người mơ ước để có một năm tốt lành.

Nên chọn quần áo màu gì?

Chính vì người xông đất đầu năm quan trọng như vậy, nên theo ông Tuấn Anh, các cụ rất kiêng khi người xông đất mặc quần áo màu trắng hoặc đen.

Ngoài ra còn kiêng người có hạnh kiểm không tốt, đang có tang, có chuyện quan tụng, hoặc đang gặp xui xẻo, phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt, hoặc góa chồng đến xông đất nhà mình.

Được coi là tốt, nếu là nhiều người đến cùng một lúc, đặc biệt là trẻ em. Đó cũng là nguyên nhân để các trẻ em nghèo ngày xưa thường tụ tập thành đám đi chúc Tết các gia đình khá giả với hy vọng được tiền lì xì (mừng tuổi) ngày Tết.

Theo ông Tuấn Anh, tùy vận khí từng năm và thiên can, địa chi mà chọn người xông đất có tuổi và y phục rất cụ thể.

Ví dụ những tuổi vận khí thuộc hành Kim, thiên can Ất thuộc Mộc, địa chi Mùi là mộ của hành Hỏa trong chu kỳ 12 con giáp. Do đó, y phục của người xông đất hoặc có ý định đi xông đất nên là màu xanh nước biển hoặc da trời nhưng cũng không nhất thiết phải thuần một màu.

Trang phục có thể là áo trắng sọc xanh hoặc họa tiết trang trí xanh trắng.

Những tuổi được mới xông đất cứ ứng ngũ hành để tùy cơ ứng biến. Chủ nhà mệnh Thổ, thông thường mời người mệnh Hỏa vì theo lý thuyết hỏa sinh thổ. Tất nhiên sẽ phải còn nhiều yếu tố khác, nhưng được mời xông đất, người được mời sẽ tươm tất, chuẩn bị chu đáo hơn.